Lương cao, đãi ngộ tốt và có nhiều cơ hội phát triển là những lý do khiến lao động Việt Nam, đặc biệt là sinh viên mới ra trường thường ứng tuyển vào các công ty nước ngoài. Nhưng để vào được những doanh nghiệp này, bạn cần “lận lưng” những bí quyết dưới đây.
Hồ sơ ấn tượng
Một hồ sơ cơ bản bao gồm bằng cấp, chứng chỉ, sơ yếu lý lịch (CV) và đơn xin việc. Tuy nhiên, khi xin việc vào công ty có yếu tố nước ngoài, yếu tố bằng cấp không quan trọng bằng phong cách, kinh nghiệm mà ứng viên thể hiện trong CV.
Hãy nhấn mạnh những kinh nghiệm liên quan đến công việc mà bạn đang xin vào làm. “Kê khai” cả những kinh nghiệm có từ hồi bạn còn là học sinh, sinh viên. Những nhà quản lý nước ngoài rất thích những người thông minh, năng động.
Tìm hiểu thông tin công ty, yêu cầu của nhà tuyển dụng
Tìm hiểu thông tin công ty, yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhớ những điểm nổi bật bạn có thể ghi nhớ và dịch chúng sang tiếng Anh trước. Đó sẽ là những thông tin mà bạn có thể dùng để trao đổi với nhà tuyển dụng đấy.
Hồ sơ ấn tượng |
Đúng giờ giấc
Nhà tuyển dụng nước ngoài đặc biệt chú trọng đến vấn đề giờ giấc, bởi vậy nếu ngay từ bước phỏng vấn mà bạn đã "cao su" giờ thì chắc chắn cơ hội của bạn sẽ giảm đi một cách đáng kể.
Ngoại ngữ, vi tính là những công cụ hỗ trợ tuyệt vời
Lẽ dĩ nhiên bạn phải biết ngoại ngữ khi làm việc với một ông sếp nước ngoài. Vi tính, kỹ năng sử dụng Internet cũng là những yếu tố không thể thiếu bởi các sếp “tây” rất thích các phương tiện làm việc công nghệ cao.
Ngay tại buổi phỏng vấn, rất có thể bạn sẽ phải viết một đơn đặt hàng hoặc một thư cảm ơn đối tác bằng tiếng Anh, và kỹ năng này sẽ được thực hiện trên máy tính để nhà tuyển dụng có thể kiểm tra kỹ năng của bạn một cách tổng hợp. Ngoại ngữ, vi tính tốt không những giúp bạn thành công ở “đầu vào” mà còn giúp bạn dễ có cơ hội thăng tiến về sau.
Trang phục phù hợp, trả lời chuyên nghiệp
Trang phục phù hợp với doanh nghiệp nước ngoài: trang trọng, lịch sự. Những trang phục được ưu tiên là veston, váy áo công sở, áo dài, complet – cravat...
Phong cách nói chuyện tự tin, quyết đoán và nên pha chút hài hước. Nếu một sếp nước ngoài trực tiếp hỏi bạn, hãy thể hiện cho ông ta thấy tinh thần dân tộc của bạn. Điều này là rất cần thiết thì người nước ngoài không thích những nhân viên Việt không yêu nước Việt. Bạn tưởng rằng khi bạn tôn vinh đất nước của họ, họ sẽ thích thú và chọn bạn. Thực tế không phải vậy, trò nịnh nọt đó chỉ nói lên rằng bạn thật lố bịch và làm việc chỉ vì tiền.
Hãy chứng tỏ phong cách làm việc hiện đại (có thể làm việc theo nhóm, làm việc độc lập, làm việc không kể thời gian, chịu được áp lực công việc…).
Trang phục phù hợp, trả lời chuyên nghiệp |
Các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc ở doanh nghiệp nước ngoài:
Bạn có biết là mình đã đến muộn 20 phút?
Bạn sẽ bắt đầu giới thiệu đôi điều về bản thân mình chứ?
Tại sao bạn không cho tôi biết những thành tích lớn nhất trong công việc của bạn thời gian vừa qua?
Tại sao bạn lại quyết định thôi việc ở công ty cũ?
Bạn nghĩ gì về phát minh gần đây của thế giới về máy điện thoại thế hệ mới?
Mục tiêu của bạn khi xin vào công ty này?
Bạn sẽ vượt qua áp lực công việc như thế nào?
Bạn thấy hình ảnh bạn như thế nào trong 5 năm tới?
Tại sao chúng tôi lại phải thuê bạn?
Bạn có ngại đi công tác thường xuyên không?
Bạn có sẵn sàng nhận công việc ngay bây giờ?
Nếu được tuyển dụng vào vị trí này, bạn mong muốn được trả mức lương bao nhiêu?
Bạn có muốn hỏi tôi điều gì không?
Chuẩn bị sẵn sàng để khởi nghiệp
Vượt qua “ải” phỏng vấn không có nghĩa là bạn đã thở phào và sẵn sàng cho công việc mới. Không tự hoàn thiện vốn tiếng Anh và có được các kỹ năng đơn giản như viết email, giao tiếp… đến các kỹ năng chuyên nghiệp như thuyết trình, lập đề án, viết kế hoạch… thì khả năng trụ lại tại công ty nước ngoài đó sẽ rất mong manh.
Ngọc Anh (Người đưa tin)