Với sứ mệnh mang Internet tới những vùng hẻo lánh trên thế giới, dự án này của Google đang đạt được những thành quả đầy hứa hẹn đầu tiên.
Mới đây, trên trang Google Plus chính thức của Project Loon, Google đã công bố rằng dự án phát Internet bằng khinh khí cầu của họ đã đạt được nhiều bước tiến trong thời gian qua. Trong trường hợp bạn chưa biết, Project Loon là một dự án đầy tham vọng của Google với mục tiêu mang Internet tốc độ cao đến những vùng hẻo lánh trên thế giới bằng khinh khí cầu. Dự án Project Loon được cho là đã bắt đầu từ năm 2011 trong phòng thí nghiệm bí mật "Google X", tuy nhiên mãi tới ngày 14 tháng 6 năm 2013, nó mới được công bố chính thức.
Project Loon là một dự án được hiện thực hóa từ phòng thí nghiệm của những ý tưởng có phần "điên rồ" Google X.
Ý tưởng của Project Loon là phát kết nối không dây có chất lượng tương đương sóng 3G từ những quả khinh khí cầu ở độ cao từ 18km đến 27km.
Trong những ngày đầu của dự án, Google đã thử nghiệm rất nhiều thiết kế khinh khí cầu khác nhau. Mỗi kiểu thiết kế đều được đặt theo tên một loài chim. Kiểu khinh khí cầu mà bạn đang thấy trong hình không được đưa vào thực tế sử dụng.
Mẫu thiết kế thử nghiệm này trông không khác gì một trái bóng bay. Trong hình là một thành viên đội dự án có tên Nick Kohli đang chuẩn bị thử nghiệm sóng radio cho mẫu thiết kế vào tháng 1 năm 2013.
Đây là kiểu khinh khí cầu "không áp lực" mà Google cho biết có kích thước nhỏ hơn các mẫu thiết kế khác rất nhiều nhưng vẫn đủ lớn để chịu được sức gió.
Rất nhiều chuyến bay đã được thực hiện để kiểm tra sự vận hành của khinh khí cầu.
Để một khinh khí cầu sẵn sàng được đưa lên không trung phải nhờ đến sự trợ giúp của cần cẩu. Hình ảnh này được ghi lại vào tháng 10 năm nay.
Phần linh kiện điện tử và cảm biến cần được "đóng hộp" kỹ lưỡng để tránh sự ảnh hưởng của không khí lạnh ở trên cao. Nếu các bộ phận này quá lạnh, chúng sẽ không thể tối ưu hóa được hoạt động và làm giảm tuổi thọ của khinh khí cầu.
Đây là dụng cụ ăng-ten đặc biệt giúp thu sóng từ khinh khí cầu.
Các khinh khí cầu trong dự án chủ yếu sử dụng nguồn năng lượng từ mặt trời. Do ở trên cao nên những tấm pin năng lượng mặt trời mà bạn đang thấy chỉ mất 4 tiếng để nạp đầy lượng điện năng đủ để vận hành hệ thống trong 24 giờ.
Hình ảnh một quả khinh khí cầu ở ngoại ô Christchurch, New Zealand.
Mỗi khinh khí cầu có thể phát sóng Internet cho khu vực có đường kính 40 km. Tất cả các khinh khí cầu trong dự án đều được theo dõi 24 giờ một ngày, từ việc đưa lên không trung cho tới vị trí phát sóng hay hợp tác với các cơ quan hàng không địa phương để đảm bảo an toàn.
Project Loon di chuyển tận dụng hướng gió. Google lấy các dữ liệu về gió từ tổ chức National Oceanic and Atmospheric Administration (NOAA).
Tháng 7 năm 2014, đội dự án đã đưa một quả khinh khí cầu lên không trung tại ngoại ô Campo Maior, Brazil. Dự án này đã lần đầu tiên mang Internet đến một ngôi trường địa phương có tên Linoca Gayoso. Đây cũng là lần đầu tiên đội dự án thử nghiệm phát sóng 4G và là lần đầu tiên một quả khinh khí cầu trong Project Loon được kích hoạt gần xích đạo tới vậy.
Thành viên đội dự án lắp đặt ăng-ten nhận sóng tại trường học.
Trái khinh khí dần bay lên không trung, sẵn sàng thực hiện sứ lệnh mang Internet đến cho mọi người.
Tiao, giáo viên địa lý không giấu được niềm vui khi được tiếp cận với Internet. Ông sau đó đã dùng Google Earth, Cultural Institute và Wikipedia để làm bải giảng sinh động hơn.
Kể từ khi dự án được triển khai, các khinh khí cầu Loon đã bay tổng cộng 3 triệu km trong tầng bình lưu. Google thậm chí còn có một khinh khí cầu mang tên Ibis-167 với thành tích di chuyển vòng quanh thế giới trong 22 ngày.
Google cho hay ở thời điểm hiện tại họ có thể đưa 20 khinh khí cầu vào hoạt động mỗi ngày, tuy nhiên không phải tất cả trong số chúng đều thành công. Tháng Sáu vừa qua, một khinh khí cầu đã vướng vào hệ thống dây điện ở Washington, gây gián đoạn cấp điện trong khu vực.
Theo Kênh 14