Bố của Lê Văn Luyện từng bị phạt tù vì che giấu hành vi phạm tội của con. Nhưng theo dự thảo luật mới, những trường hợp che giấu tội cho người thân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.
Theo dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi), người thân của người phạm tội sẽ không còn bị xử lý hình sự về tội "che giấu tội phạm" và "không tố giác tội phạm" như trước đây nếu có các hành vi này.
Trước đến nay, mọi đối tượng có hành vi như trên đều bị xử lý về tội "che giấu tội phạm". Bộ Luật hình sự (BLHS) hiện hành quy định, người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "che giấu tội phạm" trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
Những trường hợp như ông Lê Văn Miên (bố của Lê Văn Luyện) sẽ không còn bị truy cứu tội danh "che dấu tội phạm" |
Một trường hợp điển hình dư luận từng biết đến là bố đẻ của Lê Văn Luyện(thảm án tiệm vàng tại Bắc Giang năm 2011). Vì che giấu hành vi giết người của con trai, ông Lê Văn Miên (bố của Luyện) bị kết án 48 tháng tù về tội "che giấu tội phạm".
Nhưng theo dự thảo BLHS (sửa đổi), nếu người thực hiện các hành vi này là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ban soạn thảo dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) cho hay, có ý kiến cho rằng không nên coi là tội phạm khi những người thân trong gia đình như bố, mẹ, anh em ruột,... che giấu hành vi phạm tội của vợ, chồng, con, cháu mình. Truy cứu những người này có vẻ như một việc làm không hợp đạo lý, mặc dù hành vi đó có thể gây khó khăn cho cơ quan tố tụng.
Tương tự, Ban soạn thảo cũng đề xuất không truy cứu tội "không tố giác tội phạm" đối với ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ, chồng của người phạm tội khi họ có hành vi che giấu.
Theo Khám Phá