Phong trào nuôi cá sấu ở đây đang tăng nhanh khi mà giá cá sấu ở ngưỡng cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến lo ngại về phong trào tự phát này, nhất là hành lang pháp lý cho việc nuôi cá sấu. Ấp 4, xã Phú Ngọc nằm ven sông La Ngà - đầu nguồn của hồ Trị An, nơi đang rộ lên phong trào nuôi cá sấu. Ngay từ con đường dẫn vào La Ngà đã có nhiều tấm biển rao mua bán cá sấu.
Một trại nuôi cá sấu tại xã Phú Ngọc (Định Quán, Đồng Nai) |
Thấy tôi tìm hỏi về trại nuôi cá sấu, chị bán bánh mì ở đầu cầu La Ngà hỏi lại: “Ở đây nhiều trại cá sấu lắm chú phải hỏi trại của ai”. Không chờ câu trả lời của khách, chị hướng dẫn luôn: “Chú cứ vào con đường này thì sẽ gặp nhà nào cũng nuôi cá sấu”.
Ở khu vực này, hầu như nhà nào cũng có ít nhiều các chuồng nuôi cá sấu. Chuồng nuôi loài vật nổi tiếng hung tợn này được làm khá đơn sơ. Chỉ cần xây bao bờ tường gạch với nền chuồng đổ xi măng, có phần trũng, giữa chuồng làm hồ cho cá ngâm nước là đã hoàn chỉnh một chuồng nuôi cá sấu. Tùy theo diện tích chuồng lớn hay nhỏ để nuôi số lượng phù hợp.
Với 2 chuồng có diện tích mỗi chuồng 75m2, ông Nguyễn Văn Nhật nuôi hai đàn cá sấu, đàn lớn 70 con với trọng lượng trên 10kg/con và đàn nhỏ khoảng 4 tháng tuổi.
Trên nền chuồng, những con cá sấu nằm phơi nắng, há mồm nhe hàm răng lởm chởm như bàn chông. Thấy động, chúng quăng mình lao rầm rầm xuống hồ nước. Chỉ đàn cá sấu lớn, ông Nhật cho biết, đang chờ bán trong tháng này. Với giá thương lái mua vào hơn 200 ngàn đồng/kg, ông Nhật dự tính đàn cá sấu của mình sẽ thu được khoảng 200 triệu đồng. Theo ông Nhật, sau nhiều năm, giá cá sấu mới đạt được mức khá cao như vậy.
Không nuôi nhiều cá sấu thương phẩm, bà Sáu Nam ở xã Phú Ngọc lại nổi tiếng với kinh nghiệm nuôi cá sấu đẻ và có kỹ thuật ấp nở cá sấu với tỷ lệ khá cao. Trong phong trào nuôi cá sấu đang lên, đàn cá sấu nào nở ra chỉ vài ngày là người nuôi đã đặt mua hết.
Người được xem có nhiều kinh nghiệm nuôi và tạo giống cá sấu ở khu vực huyện Định Quán là anh Huỳnh Văn Tấn. Anh Tấn thừa hưởng từ kinh nghiệm của cha là ông Huỳnh Văn Nam, người có hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá sấu. Đến nay, anh Tấn vừa là chủ trại nuôi cá sấu La Ngà vừa là đầu mối cung cấp cá sấu giống lại vừa là nơi mua lại cá sấu thương phẩm của người nuôi.
Anh Tấn cho biết, ở khu vực xã Phú Ngọc, rất nhiều hộ nuôi cá sấu, hộ nuôi ít khoảng 50 con, hộ nuôi nhiều lên đến hàng ngàn con. Cá sấu rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là thực phẩm loại thải từ cá cho đến gà, heo mua từ các trang trại. Nhà ít vốn có thể cho cá sấu nhịn ăn cả tháng cũng không thành vấn đề.
Theo anh Tấn, thời gian gần đây, thị trường thu mua cá sấu phát triển, giá lên cao đến 210 ngàn đồng/kg, trong khi những năm trước, giá chừng 130 -140 ngàn đồng/kg. Lãi cao, nên số lượng nuôi tăng đột biến. Cá sấu giống vài ngày tuổi trước đây chỉ 320 – 350 ngàn đồng/con, nay đã tăng lên 400 – 450 ngàn đồng/con vẫn không kịp nguồn cung cấp.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thì hiện nay tỉnh Đồng Nai đã có 203 trại nuôi cá sấu với 86.734 con. Trong đó, xã Phú Ngọc được xem là “thủ phủ” nuôi cá sấu với 144 trại/63.373 con.
|
Cá sấu giống thương phẩm vì sao tăng giá và xuất bán đi đâu? Là chủ thu mua lớn trong vùng, anh Tấn cũng không biết “đường đi” của cá sấu. Anh chủ trại này chỉ biết mình làm trung gian mua gom trong các hộ dân và xuất bán theo đặt hàng, giá cả, số lượng đều do các đầu nậu đưa ra. “Với cá sấu nguyên con, nghe đâu xuất sang Trung Quốc, còn da cá sấu thì tôi bán cho các công ty ở thành phố và xuất sang Nhật”- anh Tấn cho hay.
Vật nuôi hay động vật hoang dã?
Trong khi người dân đang lao vào nuôi cá sấu khi thấy lợi nhuận đang cao, thì không ít người hoài nghi khi cá sấu không có thị trường ổn định.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, do cá sấu nằm trong danh mục động vật hoang dã nên quản lý cá sấu thuộc về kiểm lâm và không được xem là vật nuôi trong cơ cấu nông nghiệp. Còn ông Tôn Hà Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thì cho rằng: Cá sấu thiên nhiên không còn từ lâu, cá sấu đã được người dân nuôi tạo giống nuôi thương phẩm.
Tuy nhiên, cá sấu vẫn nằm trong danh mục động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng và theo công ước Cites thì cá sấu là động vật cấm buôn bán quốc tế.
Do vậy, ngành kiểm lâm cũng chỉ cấp phép, giám sát nuôi, vận chuyển trao đổi, kiểm tra chuồng trại đảm bảo các biện pháp an toàn, vệ sinh môi trường. Còn việc người dân nuôi thì chỉ là tự phát, kiểm lâm cũng không thể nắm về giá cả, thị trường tiêu thụ…
Với những ràng buộc bởi luật pháp, nghề nuôi cá sấu công khai mà cũng không công khai. “Ôm” con cá sấu, người nuôi gần như “tự bơi”.
Cũng có không ít lo ngại đối với con cá sấu bởi vấn đề an toàn. Người nuôi thì khẳng định, mỗi con cá sấu giá hàng triệu đồng, nên ai cũng phải lo trông giữ. Tuy nhiên, đã có không ít vụ cá sấu sổng chuồng gây hoang mang trong người dân.
Cách đây không lâu, mưa lũ đã làm sập bờ bao khu vực nuôi cá sấu tại một khu du lịch ở TP Biên Hòa, làm hàng chục con cá sấu thoát ra ngoài. Mặc dù sau đó chủ trại nuôi cá sấu cho rằng, đã bắt lại đủ số lượng, người dân vẫn không khỏi lo âu. Mới đây nhất, một con cá sấu được cho là sổng từ trại nuôi của người dân xuất hiện trên hồ Trị An rộng lớn, đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Ông Trần Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho rằng, cá sấu sổng ra ngoài cũng có, nhưng người dân không báo chính quyền. Nghe có cá sấu xuất hiện, người dân đổ ra săn bắt cho bằng được. Không khỏi lo ngại về vấn đề này, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai kiến nghị với các ngành chức năng không nên cho người dân phát triển nuôi động vật hoang dã trong khu vực khu bảo tồn.
Theo Mạnh Thắng (Tiền Phong)