Ngày tôi bắt xe về quê dự đám cưới anh họ nhà vợ, trời nắng như thiêu như đốt, bố vợ tôi dù có xe hơi vẫn để mặc con rể - là tôi đầu trần chạy xe máy 20 cây số đi rước dâu.
Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó. Bố mẹ tôi dù quanh năm tối mặt với đủ thứ việc từ trồng lúa, khoai đến chăn nuôi lợn, gà... vẫn không đủ nuôi ba anh em tôi ăn học.
Nghèo khó, túng quẫn, cái đói, nợ nần cứ đeo bám gia đình tôi, ám ảnh tiềm thức tôi từ bé. Tôi còn nhớ, những ngày giáp Tết, tôi sợ ở nhà, sợ lắm cảm giác tủi nhục khi người ta đánh xe vào nhà tôi đòi nợ. Cha mẹ tôi thường phải thất hẹn vì... “chưa bán được lúa, gà, lợn,...” hay “năm nay mất mùa quá”. Những lúc đó, tôi chỉ muốn trốn đi đâu đó thật xa, thật xa để quên đi tất cả.
Ảnh minh họa |
Có những lúc nằm ngủ, tôi mơ mình trúng vé số hàng triệu đồng (vì lúc bé tôi chỉ nghĩ có một khoản tiền như thế là lớn lắm rồi), rồi tôi dành một ít trả nợ cho cha mẹ, một ít để xây nhà mới vì nhà gia đình tôi ở lúc đó ẩm thấp, mưa dột khốn khổ đủ đường. Nhiều hôm đang nằm ngủ, nước mưa nhỏ tanh tách khiến cả nhà phải chạy vội chạy vàng tìm áo mưa hoặc tấm ni-lông che lên màn mới ngủ tiếp được.
Cái đói, cái nghèo cứ ám ảnh tiềm thức tôi như thế... Nhưng càng nghèo đói, anh chị em tôi càng quyết tâm học hành, đỗ đạt để thay đổi, để cha mẹ vui lòng.
Anh, chị tôi dù không đỗ đại học nhưng cũng theo học các trường trung cấp trong tỉnh rồi ra trường có việc làm cả. Còn tôi, là em út, được cha mẹ “cưng” hơn, được anh chị có kinh nghiệm dẫn đường, nên đỗ đại học ở Hà Nội.
Năm năm theo học là cả cha mẹ, anh chị “khốn đốn” theo vì khoản tiền chu cấp nuôi tôi ăn học. Tôi dù có chi tiêu tằn tiện đến mấy, dù có từ chối mấy thằng bạn cùng quê thường xuyên rủ rê đi đàn đúm, nhưng tháng nào cũng rơi vào cảnh túng đói. Nhiều lúc lên lớp, đang học tiết cuối mà hoa mắt không dám về nhà vì đói quá, sợ ngã ra đường. Mấy thằng bạn biết gia cảnh nhà tôi nghèo nên thỉnh thoảng cho vay tiền nhưng không lấy lại...
Ra trường, mới đầu xin việc khó khăn, tôi nộp Hồ sơ khắp nơi. Chạy vạy mãi cuối cùng cũng có một công ty nhỏ nhận vào làm. Ban đầu lương thử việc được 2 triệu, lòng tiu ngỉu, tôi suýt nghỉ việc tìm chỗ mới. Nhưng mẹ gọi điện ra động viên cố gắng tiếp, thế mà vận may đến thật. Tháng sau nhờ có anh quản lý mới đến, nhận thấy tôi cũng có năng lực và cố gắng mà nâng lên cho 6 triệu. Đối với tôi lúc đó, 6 triệu là cả khoản tiền lớn.
Dù có chút thu nhập nhưng tôi chỉ dám thuê một căn phòng nhỏ chưa đến 10m vuông, chỉ 300 nghìn mỗi tháng. Chi tiêu tằn tiện tôi cũng tiết kiệm được 3 triệu mỗi tháng. Thế là sau 1 năm tôi đã gom đủ tiền gửi về cho cha mẹ sửa sang lại nhà cửa.
Sau đó, tôi được nâng lương 8 triệu, rồi 10 triệu nhưng lòng tham con người không bao giờ có hạn. Cậy có chút kinh nghiệm, được một công ty Hàn mời chào với 1000 đô, tôi nghỉ việc nhảy sang đó làm quản lý. Có đồng ra đồng vào, tôi chăm chút cho diện mạo của mình hơn. Không những thế tôi còn vay thêm ngân hàng và mua được một mảnh đất nhỏ ở ngoại thành để làm vốn. Nhiều cô gái cùng chỗ làm và bạn học cũ để ý, nhưng tôi chưa dám “chọn” ai vì sợ lấy vợ mà không có nhà ở thì khổ cả mình, cả vợ con.
Rồi tôi gặp Hân, một cô gái gốc Hà Nội. Nghe em kể bố em làm to, nhà hai chị em gái, có tận mấy mảnh đất, tôi “sáng mắt” cứ thế nghe theo những lời khoe giàu trên mây của em. Ngày em dẫn về nhà ra mắt, bố em còn hứa nếu hai đứa lấy nhau, bác sẽ mua cho hẳn một ngôi nhà trên phố. Tôi sung sướng cứ nghĩ mình gặp vận may khi được Hân để ý.
Rồi chỉ 3 tháng quen nhau, tôi và Hân quyết định đi đến hôn nhân. Nhà Hân yêu cầu phải cưới hai nơi, ở quên hai đứa chỉ được về một ngày rồi ra Hà Nội làm lễ cưới chính ở khách sạn. Nhà tôi dù nghèo khó nhưng để không làm mất mặt thông gia, cha mẹ tôi đồng ý. Bà vội vàng đi “mượn” một cái áo dài của hàng xóm để vận lúc làm lễ, cha tôi cũng lên nhà bác cả mượn một bộ đồ bộ đội cho “oai”.
Cha mẹ tôi tóc đã hai thứ tóc nhưng chưa một lần được đặt chân ra thành phố, nhìn thấy người người, xe cộ đông đúc đi lại cứ liên miệng xuýt xoa khen. Tôi vui lắm vì mãi đến giờ mới đưa được cả cha mẹ ra thành phố một lần. Nhưng Hân thì tỏ ra khó chịu còn lí nhí cằn nhằn “Rõ là nhà quê ra thành phố!”.
Điều khiến tôi bất ngờ nhất là khi đám cưới diễn ra, dù nhà tôi phải trả hết chi phí mâm cỗ cho đám cưới nhưng họ hàng nhà vợ mừng bao nhiêu, bố vợ tôi đều nhận hết mà không cho chúng tôi đồng nào. Lấy nhau hai năm, vợ chồng tôi vẫn phải ra ngoài thuê phòng trọ mà không được ông mua cho căn nhà nào như đã hứa.
Vợ tôi thì mang tiếng con nhà có học nhưng vừa lười vừa lắm lời. Công việc không ổn định, cứ làm được hai ba tháng là đòi nghỉ vì “mệt quá, đau đầu quá, bị ép căng quá…”. Công việc tôi đòi hỏi phải thường xuyên đi tiếp khách, vợ tôi ở nhà chỉ việc nấu ăn, giặt giũ mà suốt ngày gọi điện kiểm tra. Có hôm đang trao đổi với khách hàng, tôi tắt máy không nghe thế mà về nhà cô ấy nổi cơn tam bành, ghen bóng ghen gió: “Anh đi với ai mà không nghe máy? Chán tôi rồi chứ gì?”. Lời qua tiếng lại, tôi có chút hơi men trong người nên lỡ tay tát cô ấy một cái, thế mà vợ tôi làm um xùm lên bỏ đi rồi còn gọi điện về cho bố mẹ, gọi cho cậu mợ tôi, gọi về cho cả cha mẹ tôi kể tội chồng. Cha mẹ tôi bức xúc lại gọi cho tôi quát tháo. Tôi xấu hổ không biết chui vào đâu, lòng chán vô cùng tận.
Bố mẹ vợ thì ngày càng tỏ vẻ khinh thường con rể dù ông bà cũng chẳng có cái gì đáng để coi trọng. Có nhà lầu, xe hơi nhưng nổi tiếng keo kiệt, tham lam. Có lần nhà vợ có đám cưới anh họ ở quê. Tôi bắt xe về chạy vạy giúp nhà vợ. Mẹ cô ấy thấy bóng con rể là liên miệng sai làm hết việc này đến việc khác. Trời trưa nắng như thiêu như đốt, bố vợ tôi dù có xe hơi vẫn để mặc con rể - là tôi đầu trần chạy xe máy 20 cây số đi theo đám rước dâu. Không rõ anh em, họ hàng nhà cô ấy nghĩ gì về tôi nữa.
Không chỉ thế, mãi mà vợ tôi vẫn không có bầu khiến cha mẹ tôi ở quê suốt ngày gọi điện hỏi han, hối thúc.
Rồi mỗi lần đưa vợ về nhà là mẹ vợ lại xỉa xói: “Tuổi đã ngoài 30 rồi, như người ta thì nhà cửa, con cái ổn định rồi chứ chúng mày chả có cái gì. Đến cái xe đi lại cũng tàng nhàng”. Tôi ức lắm. Hóa ra trước lúc cưới tôi đã bị vợ và bố vợ lừa mà không biết.
Tôi chán ngán lắm rồi, rõ ràng tôi là người có học thức, công việc, thu nhập không kém ai, thế mà vớ phải vợ không ra gì. Mẹ tôi thì cũng đã quá chán ngán cô con dâu nhà giàu lười nhác, kênh kiệu, suốt 1 năm không chịu về thăm bố mẹ chồng, không đẻ được một đứa cháu cho ông bà trông. Liệu tôi có nên ly hôn không?
Hoàng (Cầu Giấy, HN)