Cậu tính bỏ chồng? Chà, “sang” gớm nhỉ! Chả bù cho ai không may lấy phải tớ, thì cầm bằng như lĩnh án tù chung thân. Vì một lẽ hiển nhiên là lấy tớ thì dễ, mà bỏ tớ thì hơi bị khó đấy nhé! Huống hồ là được tớ bỏ! Cứ gọi là ngồi đấy mà mơ!
Vì sao ư? Vì như cậu cũng biết đấy, tớ trầy da tróc vảy mới lấy được chồng, lại túm được một anh chàng đúng nghĩa là người đàn ông của gia đình, thì họa có là điên mới để sểnh ra cho đứa khác. Nhưng quan trọng hơn hết (điều này thì cậu giỏng tai mà nghe cho kỹ này, vì là nỗi lo không của riêng ai): Bỏ chồng có nghĩa là hằng tháng đi tong một tháng lương đấy, cậu hiểu chưa?
Cậu sẽ xì giọng: Ôi một tháng lương thì bõ bèn gì, so với khoảng trời tự do lồng lộng ở ngoài kia, và cái viễn cảnh sáng ngời “từ nay không phải hầu bố con thằng nào”! Đến cả cái nhà, cái xe buộc phải chia đôi đây mà còn chưa tiếc, thá gì một tháng lương!
Tất nhiên cậu đúng. Một tháng lương thì có là gì so với một cái nhà hay một con xe, nhưng vấn đề là: Có thế thì mới là phụ nữ! Rằng đôi khi mất những cái nhỏ mà người ta lại cảm thấy tiếc hơn những cái lớn đấy, cậu hiểu không?
Đây, ngồi yên, để tớ giảng cho! Cái nhà, tiếng là to vậy, nhưng nói cho cùng, nó cũng chỉ là một cái hình hộp chữ nhật, hữu hình đấy mà cũng là vô hình đấy, trong cuộc sống của cậu. Vì thường thì người ta chỉ cảm nhận rõ ràng về những thứ chui vào mình, hơn là những thứ mình chui vào (Thề! Và đây là tớ nói hoàn toàn nghiêm túc nhé, đừng có mà nghĩ xiên nghĩ xẹo!). Thế nên, khi cậu mất cái nhà, chưa chắc là cậu đã thấy hụt hẫng bằng mất một tháng lương đâu nhé! Cả cái xe cũng thế. Tiếng là tài sản chung, nhưng thử hỏi, mấy khi cậu được đặt đít lên đó, mà cầm lái thì là chuyện không tưởng rồi, đúng không, với một người thi bằng lái 6 lần mới đỗ (mà hình như còn là đỗ vớt như cậu). Thế nên, cái xe ấy nếu mất đi, cũng chưa chắc cậu đã cảm thấy thiếu nó, khi ít nhất, cậu hoàn toàn có thể thay thế điều đó bằng cách gọi taxi.
Nhưng còn một tháng lương thì sao? (Ở đây ý tớ là tháng lương của hắn – gã chồng đáng ghét của cậu). Tháng lương là thứ hằng tháng được đối phương kính cẩn đặt lên tay cậu, vừa là có ý: “Cậu với tớ cùng nhau góp gạo thổi cơm chung”, vừa là hàm ý: “Vậy, tối nay thì sao?”. “Tối nay chẳng sao cả!” – Đương nhiên phụ nữ chúng ta luôn kiêu hãnh nghĩ thế (dù có thể không làm thế), nhưng hãy nghĩ mà xem, vào những đêm mồng 5 hằng tháng (nếu như cơ quan chồng cậu cũng đổ thẻ ATM vào ngày mồng 5 hằng tháng), cái cảm giác nằm cạnh nhau nó mới linh thiêng làm sao!
Khi tiền bạc đề huề, tương lai dài rộng, đủ để có thể nằm dài cạnh nhau sung mãn như đang nằm sưởi nắng ở Hawaii và cùng tự tin nghĩ đến ngày mai. “Ngày mai sẽ là ngày sum họp – Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!” – Phải, chính hắn! Vì vào ngày mai, tức ngày mùng 6 hằng tháng, thể nào vợ chồng cậu cũng sẽ tíu tít dẫn bọn trẻ đi ăn nhà hàng (thực ra chỉ là một cái quán nhỏ), và đến đoạn tính toán, cậu sẽ hào sảng rút cái thẻ ATM (mà cậu biết chắc là nó còn tiền và thậm chí là còn nhiều), rồi sau đó là kiêu hãnh ký tên mình lên tờ bill ấy. Cái kiêu hãnh của một người có tiền và có quyền tiêu tiền của người khác (tức chồng bạn) một cách đường hoàng, hợp pháp. Điều mà nếu như cậu cặp bồ, thì đừng có mơ mà cầm được cái thẻ ATM của hắn, và nếu có lúc nào đó được cầm, thì cũng còn lâu, cậu mới có được cái tâm thế tự tin và đàng hoàng đến thế!
Vậy, tại sao cậu không học cách yêu chồng như yêu một tháng lương? Rằng, hãy nằm cạnh chồng như nằm cạnh một tháng lương, một chiếc thẻ ATM? Mặc kệ cái câu anh chàng huyền thoại không tay không chân Nick Vujicic nói: “Tình yêu không tìm kiếm những bảng giá”. Vì chỉ khi nằm cạnh một tháng lương, thì cậu mới có thể cảm thấy yên tâm đến thế, khi nghĩ đến ngày mai, hay ít ra, là một tương lai gần nhất? Hôn nhân là gì, nếu không phải là nơi để ta yên tâm nghĩ đến ngày mai?
Như cậu cũng biết đấy, nhà tớ mấy tháng nay không còn thuê giúp việc. Thằng cu con đi trẻ rồi, đã đành, nhưng cũng còn là chính sách thắt lưng buộc bụng thời khủng hoảng. Dĩ nhiên là cũng vất lắm, và còn là hẫng nữa, khi bao lâu có người để sai quen rồi. Chung quy cũng chỉ vì một tháng lương. Thế nhưng, cái cảm giác không còn phải trả lương cho người giúp việc nó cũng lại dễ chịu làm sao, để ít ra cuối năm có được một cái tết trọn vẹn vì không phải “cung tiến” toàn bộ số tiền thưởng tết (giúp việc nhà tớ lại toàn chơi nguyên một năm lương mới chết!). Nhưng dễ chịu hơn cả, là cái gì, cậu biết không? Là vợ chồng tớ dạo này yêu nhau hơn hẳn! Một tình yêu bình dị nhưng vẫn đủ lớn để cùng nhau chia sẻ những tháng lương!
Thề với cậu là chỉ có những ngày tháng đặc biệt này (khi nhà tớ chưa bao giờ là không có giúp việc như lúc này), thì con tim chúng tớ mới đập những nhịp tim mãnh liệt đến thế. Khi thi thoảng lại nhận được những tin nhắn dịu dàng và âu yếm đến thế: “Anh à (à nhân đây tớ cũng khuyến cáo cậu là đừng bao giờ gọi đàn ông là “anh ạ” đấy nhớ, “anh à” nghe linh thiêng hơn nhiều), nước em đã đổ đầy hai phích, đồ đã giặt, nhà đã quét, vậy nếu chiều anh về trước thì tranh thủ lau nhà và phơi đồ giùm em (đây tớ không dùng từ “giúp” nhé, “giùm” nghe mênh mang hơn), anh nhớ! (từ “nhé” tớ cũng không khuyên dùng nhé, “nhớ” nghe du dương hơn nhiều)! Hay: “Em à (chồng tớ gần đây cũng lây bệnh ưa dùng hô ngữ ở đầu câu như tớ), nhà anh đã lau sạch như lau như ly rồi nhé, đồ cũng đã phơi, chắc qua đêm là khô, để sáng mai anh dậy sớm gấp. Còn giờ thì anh phải chạy đi “sinh hoạt chi bộ” với hội trong ban một chút đây, lâu không ngồi…”.
Đấy, cậu thấy chưa, đàn ông mới đáng yêu làm sao khi nhà không có giúp việc, hay khi họ cần được “hỗ trợ pháp lý” cho việc đi nhậu, hay khi họ chậm lương. Chính xác đấy, không lúc nào đàn ông có thể đáng yêu hơn khi họ cần xin ta đi nhậu, hay khi họ bị chậm lương. Vì đó là những lúc họ cảm thấy họ có lỗi với ta hơn cả (hơn cả khi họ có bồ), khi biết rằng: Ta đã yêu họ như yêu một tháng lương, và hơn thế, còn như yêu một người giúp việc.
Vậy, cậu nghĩ là cậu sẽ vẫn bỏ chồng? Ừ, thì cậu bỏ đi! Đố đấy! Nhưng nên nhớ, mẹ tớ đây này, năm nay U.60 rồi nhé, cả hai ông bà dính tiểu đường mấy năm nay, giờ thậm chí còn không thèm nằm cạnh nhau nữa nhé, nhưng tại làm sao mà vẫn yêu nhau? Là vì lương hưu của bố tớ, với quân hàm đại tá, thì thề là đầy cô cậu mới đi làm cũng phải gọi bằng cụ nhé, thế nên còn lâu mẹ tớ mới buông bố tớ ra. Đã thế, thi thoảng còn lên giọng dọa: “Ông mà không phải với tôi, để tôi buồn phiền quá mà đi trước (ở tuổi này người ta không dọa bỏ, chỉ dọa uống thuốc tiểu đường quá liều), là ông… mất một tháng lương đấy!”, làm bố tớ sợ xanh mắt (dù lương mẹ tớ chỉ bằng 2/3 lương bố tớ). Đấy, cậu thấy chưa, một tháng lương quan trọng là thế, thế mà cậu định biếu không cho đứa khác tiêu sao?
Còn nếu như cậu nghĩ, tớ lải nhải nãy giờ với cậu, chỉ là vì đã trót cầm một khoản “lót tay” nào đó từ chồng cậu thì cậu hơi bị nhầm đấy nhé! Vì nếu là chồng người khác, thì tớ phải chơi nguyên cả một năm lương cơ, thế mới bõ! Mà thời buổi này, đố ai dám cho nhau một tháng lương, vì có khi, chỉ cần đầu tháng đóng tiền học cho con, là đã hết…
Theo Người Lao Động